<bgsound src="/Nhac Dem Nguyen Cau.wav"/> Le Dinh


Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả





Thiên Ân

Houston, TX


 












Tính từ ngày rời nước đến nay đã hơn 30 năm thành thử càng về sau này thì người Việt khắp nơi càng được dịp thưởng thức nhiều chương trình hòa nhạc với mục đích chính là vinh danh các nghệ nhân. Sự thúc ép của thời gian cho thấy rõ ràng giới hạn của đời người có lẽ đã là một lý do tiềm ẩn, mà vì lịch sự tối thiểu nên chẳng ai muốn nói ra, khiến các chương trình thuộc loại vinh danh được tổ chức thường hơn. Nó có thể là một cuộc họp các thân hữu xa gần để đọc lại những tuyệt tác văn thơ. Nó có thể là một buổi nói chuyện của các bậc thức giả từng chứng kiến và xác nhận thành công của một nhân vật năng động trong cộng đồng. Nó có thể là một buổi hoà nhạc hay triển lãm với sự tham dự của cả thân hữu lẫn quảng đại quần chúng để giúp tất cả cùng nhớ lại các tác phẩm đã đánh dấu một giai đoạn trong đời của chính những người có mặt. Các hình thức vinh danh đơn giản hay rầm rộ đều tùy trí tưởng tượng của người tổ chức. Đôi khi còn tùy công lao của người được vinh danh. Đặc tính chung vẫn là nghiêm chỉnh, trân trọng và chân thật. Một khi đã có được các đặc tính đó rồi thì hình thức không còn là điều quan trọng lắm nữa. Chỉ còn có nội dung. Và tựu trung thì những chương trình vinh danh được chứng kiến lâu nay đều được dùng để ca ngợi những đóng góp - mà phần lớn là các công lao vị tha - vào việc xây dựng con người Việt, biến họ thành những thân xác dần dà lớn mạnh, ít đau ốm, thiểu tật bịnh... với một kiến thức ngày càng được tăng cường và một sự hiểu biết ngày càng quảng bác, không chỉ trong một lãnh vực mà là mọi mặt. Đó chính là lý do đích thực mà những người đứng ra tổ chức vinh danh nhắm tới.

Cho nên đã có những y sĩ, những nhà tranh đấu, các chánh trị gia, những nhà giáo, những ký giả, các văn nhân thi sĩ, hoạ sĩ, các ca nhạc sĩ, các diễn viên... được vời ra đón nhận những ca ngợi của cộng đồng. Cũng nhờ đó mà cộng đồng được dịp biết tới khá nhiều nhân tài của quê hương mà lâu nay ẩn mặt, kín tiếng. Họ khiêm nhường che giấu nhân diện mặc dầu tánh danh họ được đều đặn đề cập và được thường xuyên nói đến không chỉ bởi những người cùng thời với họ mà thậm chí còn bởi cả những người mới lớn lên sau này. Câu chuyện thật, liên quan tới việc ông Charles Chaplin (Charlot) về nhì khi dự một cuộc thi tuyển những người có khả năng trình diễn giống Charlot nhứt, nêu bật chi tiết ẩn dật vừa nêu. Ấy là Charlot đã là một diễn viên nổi tiếng, đã xuất hiện trong nhiều phim ảnh. Xét trường hợp các nhạc sĩ - nhứt là các nhạc sĩ “phe ta” - thì những nhà soạn nhạc, âm thầm viết, mải miết soạn... và rồi xuất hiện bên cạnh những dòng nhạc đó chỉ bằng một cái tên... thì khó mà tự biến thành một người thực sự nổi tiếng. Họ hầu như chí thú đóng vai một cái thang, giúp cho các nghệ sĩ khác từng bậc leo lên, trở thành những khuôn mặt lớn, được săn đón, được nuông chiều và nhờ vậy mà “ăn nên làm ra” (như khá nhiều ca sĩ sống ở nước ngoài mấy chục năm nay). Thành thử cuộc sống vật chất không mấy khá của những “cái tên” này không phải là điều khiến nhiều người ngạc nhiên mặc dầu đã là một bằng chứng đáng buồn cho thấy quần chúng không hề thực sự quý trọng và từ đó chịu khó đền bù thật xứng đáng những người đã mang tim óc ra làm cho đời họ phong phú thêm và đáng sống hơn. Những nghệ nhân khiêm cung, thích giấu mặt, thích sống thầm lặng bên lề thế nhân thường hay ví von cho rằng “hễ là tằm thì cứ phải nhả tơ” bất cần những đền trả của người mặc áo. Từ đó người thích mặc đẹp vẫn thường tự tiện quên béng đám tằm. Ngay cả chẳng màng đến chuyện sơ đẳng là phải hái lá dâu cho chúng ăn. Nhiều con không còn sức nhả tơ. Nhiều con khác đã chết trong thân xác hao gầy đói khổ. Thánh Kinh ghi “con người không chỉ sống bằng bánh mì”. Nhưng không có bánh mì thì con người nhứt định không thể sống được. Câu in đậm trên đây quả thật đã quá lỗi thời. Nhứt là đối với những người may mắn đang được sống ngoài nước, từng nhìn thấy các nghệ sĩ sáng tác ở nước người lìa đời từ thuở nào vẫn tiếp tục được đền bù bằng hiện kim khổng lồ sau khi đã từng được đền bù cũng bằng những hiện kim khổng lồ chẳng kém vào thời họ sinh tiền. Tơ óng ả chỉ có thể nhả ra khi tằm có được những kiện lá dâu tươi để sống trước đã. Cho nên những francs, dollars, pounds, marks... chính là những thứ tối cần cho nhạc sĩ sáng tác, giúp họ sống mà sáng tác. Nhạc hứng xuất phát từ tình tự dân tộc đã đành, nhưng cũng xuất phát từ phương tiện vật chất không thể thiếu đó nữa. May ra thì những chương trình vinh danh dành cho các đóng góp quý báu của những con người thầm lặng này sẽ góp phần thay đổi thực trạng đáng tiếc lâu nay. Nói rõ hơn là làm cho đời biết mặt họ sau khi đã từng biết tên và làm cho cuộc sống vật chất của họ và gia đình bớt vất vả để hy vọng họ còn có đầu óc và hứng thú mà tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Chương trình hoà nhạc mệnh danh “Huyền Thoại Lê Minh Bằng” do Công Ty Nghệ Thuật Giải Trí Asia tổ chức cuối tháng 8 vừa qua ở Houston, Texas có lẽ nhằm mục đích ấy.





Anh Bằng & Lê Dinh



Thật sự thì đã có hơi trễ để vinh danh Lê Minh Bằng khi ông Minh Kỳ thì đã từ lâu khuất bóng trong khi thính năng của ông Anh Bằng, 80 tuổi đời, đã xuống đến mức tối thiểu. Dù sao thì vẫn có ông Lê Dinh đi đứng trông hãy còn khỏe mạnh, phong độ trông hãy còn dồi dào, bởi chỉ “mới” 72 tuổi đời. Hình như ông vẫn còn sáng tác, và vẫn bỏ cả chục giờ mài miệt mỗi ngày để lo liệu cho tờ báo Nguyệt san Nghệ Thuật, ấn hành bên Montréal, Canada. Với ông Anh Bằng vội vàng đến từ California và vội vàng quay về mấy tiếng đồng hồ sau khi kết thúc chương trình; và với ông Lê Dinh gần như đảm nhận vai trò phát ngôn chủ lực; thì 2/3 có mặt thiết tưởng đã đủ để thay mặt cho những nhạc sĩ từng được coi là bộ ba đại diện cho 3 miền nước Việt: Anh Bằng (miền Bắc), Minh Kỳ(miền Trung) và Lê Dinh (miền Nam). Những sáng tác riêng của từng ông mà tập hợp với những sáng tác chung của cả ba thì nhứt định phải là một bộ sưu tập mà chắc hẳn là hai vị còn sinh tiền cũng không thể nêu rõ con số chính xác. Chỉ có thể phiên phiến cho rằng tổng số nhạc phẩm, gồm cả đã được in và phát hành, lẫn “viết ra để đó”, thì có lẽ chừng ngàn bài. Nhưng dù chỉ dựa vào con số được khiêm nhượng ước đoán như vầy thôi thì 25 nhạc phẩm được Asia tuyển chọn để trình bày trong 2 buổi hòa nhạc mang tên “Huyền Thoại Lê Minh Bằng” ở Houston hôm 26 tháng 8 cũng chỉ là một tiêu biểu khiêm nhượng chẳng kém. Có điều là do giới hạn thời gian mà Asia chẳng thể chọn thêm nhiều bài dù có muốn chăng nữa. Ngoài ra thì cũng còn nhiều giới hạn khác và chính vì xét tới những giới hạn nhiều mặt đó mà công lao của Asia rất đáng tán dương.
Giới hạn trước tiên dĩ nhiên là tiền bạc. Đưa trọn đến Houston một tập hợp hơn cả trăm ca nhạc sĩ trong đó có những người từ Âu Châu, vũ công, những người dẫn chương trình, các chuyên viên thu hình... sau khi phải thuê mướn các chuyên viên âm thanh và ánh sáng địa phương, các nhân viên dàn dựng cảnh trí sân khấu, các phụ diễn ngay tại chỗ rồi điều hợp tất cả những người vừa kể trong một chương trình vĩ đại kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ... đương nhiên không phải là chuyện đùa. Khổ công luyện tập nhiều tháng trời đã đành. Thu sẵn tất cả các nhạc phẩm được tuyển chọn đã đành. Còn nhiều thứ “đã đành” khác, mà tất cả đều đòi hỏi thời giờ và những ngân khoản lớn. Suy nghĩ của người trong nghề cho rằng giá thành của các “show” loại này tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát: từ 100 ngàn đô la vào những năm cuối thập niên 1970 lên tới hơn 1 triệu đô la dạo sau này. Vậy thì phải nhìn nhận rằng những người đứng ra tổ chức các chương trình ca nhạc Việt là những người vừa có lòng, vừa rất can đảm, bởi vì tiền bỏ ra thì chắc, còn tiền thu lại thì vẫn là một thông số... mà ngay chính giám đốc tài chánh của công ty cũng không dám dự đoán.





Lê Dinh - Anh Bằng và phu nhân của cố nhạc sĩ Minh Kỳ



Giới hạn kế đó là tâm cảm của khán thính giả. Sau 30 năm xa xứ, với những chương trình nhạc thu băng thu đĩa của cả những người ngoài nước lẫn trong nước, nhu cầu thưởng thức của cộng đồng người Việt hiện giờ đã khác trước rất nhiều. Mong ước nghe lại những dòng nhạc quê hương của một số người bất chợt phải rời nước đã được thỏa mãn. Số người này không còn muốn mất tiền bạc và thời giờ để ngồi nghe trong rạp hoặc bỏ tiền ra mua đĩa về nghe ở nhà. Họ trở thành ngoại biên bởi vì nhu cầu của họ đã bảo hòa. Một số khác tuy vẫn còn say mê và vẫn háo hức thưởng thức những giọng ca cũ, trình bày những sáng tác xưa vốn dĩ quen thuộc với họ... nhưng chính những người này cũng không còn thấy cần phải tới thưởng thức tận nơi. Thay vào đó, họ có thể ngồi nghe và xem ngay trong nhà, một cách thoải mái, mà chỉ tốn một khoản tiền mua đĩa bằng 15% so với giá vé hạng nhứt. Nhiều khi còn có thể coi miễn phí nếu may mắn có được một người bạn tốt chịu khó mượn đĩa của ai đó rồi cho họ mượn cái “copy” sau khi đã “burn”. Rốt cuộc, thành phần chủ lực đáng tin cậy đối với những người làm show, là giới trẻ muốn quay về nguồn. Họ là những người mới lớn, rất khoái Cardin hoặc ban tứ ca The Chosen Ones (đến độ cổ võ ầm ỉ những bản nhạc Rap của các ca sĩ trẻ này) do đã quá quen thuộc với nhạc trẻ Âu Mỹ. Nhưng vì họ ăn học và lớn lên ở Âu Mỹ, hiểu rõ những khó khăn tài chánh của những người hy sinh đứng ra tổ chức các chương trình nhạc, cho nên vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để được thưởng thức dòng nhạc du dương, yểu điệu, nhẹ nhàng của quê hương... trình bày bằng thứ tiếng nói thân yêu của cha mẹ ông bà họ mà có khi chính họ chưa am tường. Đáng tiếc khi họ chỉ là một thiểu số. Rất ít và càng ngày càng thu nhỏ do bị ràng buộc bởi công ăn việc làm và những bận bịu gia đình.





Hàng trên:
Trúc Mai, Thanh Lan, Thanh Phong, Thanh Thúy
Ngồi: Bà Phương Đại, ca sĩ Phương Đại,

Chế Linh, Kim Loan, Anh Bằng, Lê Dinh (26/8/2006)





Tuy nhiên đối với những ai đã bỏ công - và của - tới Hobby Center ở Houston để thưởng thức chương trình “Huyền Thoại Lê Minh Bằng” thì phải nói là họ đã được thực sự đền trả công bằng, bởi vì nó vừa xứng với công của mà họ đã bỏ ra, lại vừa nhắc họ nhớ lại một giai đoạn lịch sử mà nhiều người có thể đã bắt đầu quên. Khán giả đã có dịp thưởng thức giọng ca và nhìn thấy lại tận mắt rất nhiều khuôn mặt nghệ nhân đã từng, chính họ, là “huyền thoại” một thời đối với giới thẩm âm ở Saigon. Như Hà Thanh, Thanh Thúy, Thanh Lan, Trúc Mai, Thanh Tuyền, Phương Dung, Mai Lệ Huyền, Kim Loan, Kim Anh, Chế Linh, Anh Khoa, Thanh Phong, Thanh Đại, Trung Chỉnh, Vũ Khanh... bên cạnh các nghệ sĩ trẻ rất ăn khách trong khoảng trên dưới chục năm trở lại đây như Tuấn Vũ, Mạnh Đình, Don Hồ, Nguyên Khang, Lâm Nhật Tiến, Philip Huy, Minh Thông, Khải Tuấn, Cardin, Đặng Thế Luân, Ngọc Lễ, Băng Tâm, Ngọc Hạ, Thiên Kim, Diễm Liên, Lâm Thúy Vân, Ngọc Huyền, Dạ Nhật Yến, Doanh Doanh, Trish, Phương Thảo, Ánh Minh, Y Phụng... cùng mấy chục nghệ sĩ trẻ đẹp khác vẫn thường xuyên có mặt trong các chương trình của Asia. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, người xem đã thấy lại bằng tưởng tượng qua ngôn từ, những nét đẹp của quê hương mình, những tình tự lứa đôi của những người đã sống và lớn lên trong thời gian mà khói lửa chiến tranh dâng tới độ ngút ngàn, những hy vọng cùng mơ ước của những người đã kinh qua biết bao khổ ải đã đày đọa trọn cả dân tộc mình suốt mấy mươi năm dài. Tình ca đôi lứa qua nét nhạc và lời ca của các ông Lê Minh Bằng là loại tình ca tiêu biểu của người Việt thời đó. Nó nhẹ nhàng dù vương nhiều âu lo. Nó thủy chung dù cặp kề bất trắc. Nó khác với loại tình ca “bốc lửa” nhưng “bạo phát bạo tàn” mà chúng ta vẫn nghe hàng ngày nơi xứ người. Thành thử khi nghe lại thì những nhạc phẩm ấy trở thành những nhắc nhở đối với cái quá khứ vui buồn đã thấm đậm và gặm nhấm tâm não người nghe lẫn những người cùng thế hệ họ. Ngay cả cái quá khứ rất nhiều lửa đạn và khổ đau – mà tất nhiên chẳng còn ai muốn gánh chịu thêm nữa – như cái quá khứ được hé mở trong nhạc cảnh khai mạc “Đêm Nguyện Cầu” do Thanh Lan, Trung Chỉnh và Chế Linh diễn tả. Tình tự quê hương thì còn hiển hiện hơn trong những nhạc phẩm thuộc loại miêu tả, giúp những người chưa từng đặt chân tới nhiều miền đất nước cũng “thấy” được cái dung nhan diễm lệ của quê mình qua những nhạc phẩm viết về Gò Công, Hà Tiên, Huế, Đà Lạt, Nha Trang... thậm chí cả Hà Nội (đừng quên ông Anh Bằng là người ra đi từ miền đất nghìn năm văn vật). Bên cạnh còn có những đoạn phim ngắn do MC Trịnh Hội ghi nhận các danh thắng ngay trong nước, đóng vai trò minh họa cho lời ca. Người xem nhờ đó biết được ngay cả những cảnh đẹp giờ đã chẳng còn nữa (Hòn Phụ Tử ở Hà Tiên mà nay chỉ còn Con sau khi Cha đã gẫy gục rồi chìm sâu, quả là loại hình ảnh mang ý nghĩa thảm sầu mỗi lần nghĩ tới... là một thí dụ). Các nhạc phẩm loại này của ba soạn giả mang lại khá nhiều kiến thức hữu ích về địa hình địa vật và con người đã sống và lớn lên ngay trên những miền đất đó. Tác dụng của những bản nhạc này, nếu nghe kỹ lời ca, sẽ đưa người nghe tới một tập hợp hình ảnh không mấy khác những hình ảnh ghi nhận sau một chuyến đi dã ngoại, tưởng chừng như đã nghe được tiếng quyên kêu rỏ máu, vượn hú hỉ non, suối reo rúc rích chẳng hạn (bản Đường Chiều Sơn Cước là một thí dụ). Nhạc của ba ông đều dễ nghe (kiểu như nhạc Easy Listening ở Mỹ) bởi giai điệu (melody) nhẹ nhàng và du dương, đi kèm lời ca bình dị đúng như ngôn ngữ thường ngày của người dân miền Nam cho nên trở thành dễ nhớ đến độ nhiều người trong chúng ta vẫn hay rên ư ử hay huýt sáo các nhạc phẩm của ba ông mà không hề nghĩ họ là tác giả. Vì dễ nghe và dễ nhớ cho nên tất cả nhạc của các ông đều rất phổ cập. Thậm chí những bản nhạc buồn nói lên nỗi thống khổ đày đọa xác thân trong chiến tranh - bản nhạc mang tên “Nó” là một thí dụ - cũng trở thành phổ cập cả trước kia lẫn bây giờ. Những câu trả lời cuộc phỏng vấn thu hình mấy thiếu niên “bụi đời” ở Hà Nội cho thấy chính đám trẻ đói khổ ngay lúc nầy cũng cảm thông với “Nó” chỉ vì thân phận họ - trong một đất nước đã thanh bình hơn 30 năm - vẫn chẳng khác “Nó” của đám trẻ nghèo lớn lên trong khói lửa. Miếng cơm thừa mà “nó” mơ ước ở Hà Nội bây giờ tất nhiên cũng y hệt như ở Sàigòn dạo trước. Có điều những lời trần tình tự tâm của mấy thiếu niên Hà Nội này đã không khỏi làm buồn lòng khán giả. Bởi chúng ta vẫn tưởng “nó” chỉ là một hình ảnh của một thời đã qua, đã biến dạng trên đất nước mà nay “đã tươi đẹp 10 lần hơn”??!!. Ai ngờ “nó” vẫn còn nguyên đó. Tội cho “nó” và cũng tội cho cả dân tộc mình mặc dầu “Nó” đã làm nổi bật tên tuổi tác giả Lê Minh Bằng khi các ông có vẻ đã viết được một tác phẩm mang tính tiên tri. 25 bản nhạc được giới thiệu trong chương trình là đại diện “mỗi thứ một chút” của tài năng sáng tác hết sức đa dạng của các tác giả. Đa số những nhạc phẩm được tuyển lựa là những tác phẩm chứa đựng khá nhiều âu lo - bởi hệ quả đương nhiên của chiến tranh bao giờ cũng là mất mát và thua thiệt - nhưng cũng điểm xuyết đây đó nhiều nét tươi mát (những bài ghi lại các thắng tích trong nước), hạnh phúc nhỏ nhoi trong thời chiến (bài Đám Cưới Nhà Binh với sự góp mặt của Ánh Minh), đậm đà tình chiến hữu (Ly Cà Phê Cuối Cùng, tam ca với sự đóng góp của Thanh Phong trong ban Sao Băng thuở xưa) lẫn vui nhộn đến mức kích động (bài Huynh Đệ Chi Binh, bài tủ ngày xưa của Hùng Cường và Mai Lệ Huyền nhưng lần này chỉ còn MLH). Hài kịch do vợ chồng Quang Minh / Hồng Đào và Jonathan Pham phụ trách (trong đó Hồng Đào biểu diễn tài nghệ nói giọng Huế lưu loát của mình) dĩ nhiên “ngoài Lê Minh Bằng” là tiết mục góp phần chia bớt nỗi buồn cho thân phận quê hương (mà có lúc đã trở thành choáng ngợp) bằng những đối thoại thông tục (nhưng cần thiết) để ít nhứt cũng làm khá nhiều người bật được một vài tràng cười dễ dãi.

Tất nhiên khó tránh khiếm khuyết khi dàn dựng và thực hiện một chương trình rầm rộ với sự đóng góp của quá đông người như các chương trình của Asia. Người thực hiện có lẽ đã nghĩ theo kiểu Mỹ “if it ain’t broke don’t fix it” cho nên khuôn mẫu (format) đã được giữ y như nhiều show trước. Ngay cả những lần quay mặt bước lui của các ca sĩ cựu trào để nhường chỗ cho các ca sĩ trẻ diễn tả cùng một bản nhạc hay tiếp nối một liên khúc... cũng giống hệt. Thậm chí lời lẽ giữa các MC, cố làm dịu bớt nỗi chờ trông của khán giả, đồng thời “câu giờ” để chờ sắp xếp cảnh trí, cũng đã có nét sáo mòn cũ (MC Leyna Nguyễn có lẽ không nhớ cô đã khoe cha mẹ cô khó tính đến bao nhiêu lần rồi?). Trừ các MC thì ca sĩ đều hát theo lối nhép miệng (lipsynch) cho nên vẫn có những khoảng trống từ động tác “hát” đến kết quả “nghe” (hoặc ngược lại). Ai cũng hiểu những thúc ép tài chánh bên cạnh nhu cầu của người thực hiện khi phải cùng một lúc làm một chương trình nhạc sống lại vừa phải thu hình tại chỗ và cắt xén để làm thành DVD sau này. Nhưng người nào quen thuộc với các chương trình nhạc sống của Mỹ và thích cái lối trình diễn được coi là đương nhiên ở đây sẽ thấy khó dung hòa. Nghệ sĩ Âu Mỹ bị phát giác là chỉ nhép miệng trên sân khấu thay vì thực sự trình diễn “sống” (live), có rất nhiều nguy cơ “thân bại danh liệt”. Tất nhiên đây chỉ là những sơ xuất nhỏ mà những người có trách nhiệm ở trung tâm Asia - đã chứng tỏ rất đa năng đa hiệu và đầy óc sáng tạo - có lẽ đã nhận thấy và đã có thừa khả năng hoàn chỉnh trong các chương trình sau này, biến các show của Asia thành những show đáng bỏ tiền ra để xem tận nơi và các DVD của Asia thành những sưu tập đáng mua để lưu giữ. Loại chương trình giá trị cao như thế còn có một tác dụng khác, quan trọng hơn nhiều: ấy là nó làm cho các nghệ sĩ được Asia chọn để vinh danh, cảm thấy mình thực sự được vinh danh bởi cả cộng đồng. Một show nhạc hoàn chỉnh nhứt định sẽ được đồng bào mình quảng bá qua các khán thính giả đã đến xem tận nơi, nhờ đó khỏi bị những người thưởng lãm sau này giảm hạ giá trị các tác phẩm - đã được viết ra bằng tim óc của người được vinh danh - chỉ vì vài sơ sót nho nhỏ khi thực hiện chương trình. Dù gì đi nữa thì cũng cần phải nêu rõ một chi tiết: đó là sự yêu chuộng các tác phẩm đã được Trúc Hồ và các bạn trẻ điều khiển trung tâm Asia, sản xuất. Mà yêu chuộng - rồi ngưỡng phục nữa - vì nó có giá trị và cũng vì những người như họ đã làm cái điều tương tự như Bạch Cư Dị đã làm qua bài Tì Bà Hành: không có thi nhân với những vần thơ trác tuyệt thì ắt hẳn hậu thế đã không ai biết đến tiếng tì bà điêu luyện của nghệ nhân vô danh bến Tầm Dương. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ đưa chúng ta đến chỗ thương mến rồi ủng hộ những người đã thay chúng ta vinh danh các nghệ nhân mà tuy được cảm phục lâu nay, vẫn chưa hề được công khai tán tụng.






Mục Lục | | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com